Thứ sáu, 19/04/2024 - 23:38|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Tuân Lộ

Mô hình giáo dục STEM: Thời thượng hay xu thế?

Cùng với thuật ngữ 'Cách mạng công nghiệp lần thứ tư', STEM dường như đã trở thành một thuật ngữ thời thượng trong lĩnh vực giáo dục ở Mỹ và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh nước ta đang xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc vận dụng, học hỏi mô hình STEM nên được xem là trào lưu thời thượng hay xu thế tất yếu?

Khơi dậy khả năng vận dụng và sáng tạo cho người học

Vừa qua, tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm- Hà Nội) đã diễn ra ngày hội STEM (viết tắt bằng tiếng Anh của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học)) do nhà trường phối hợp với Liên minh STEM Việt Nam tổ chức.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản Trần Thị Bích Liên, đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức sự kiện này với mục đích mang đến những trải nghiệm thú vị cho học sinh liên quan đến các môn học Toán, kỹ thuật, khoa học máy tính và cũng là dịp để các thầy, cô giáo tiếp cận các phương pháp giáo dục tiến bộ, các em học sinh có cơ hội khám phá những trải nghiệm học tập đi đôi với thực hành, giúp thắp lên ngọn lửa STEM trong các em và được lan tỏa mạnh mẽ trong nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản hào hứng khi tham gia thí nghiệm trong khuôn khổ Ngày hội STEM.

 

Chính vì thế, các phần trình diễn khoa học liên quan đến khí Nitơ lỏng như: Làm quả bóng bay co lại, làm bông hoa hồng đóng băng, quả chuối trở nên cứng chắc mà có thể đóng đinh được… hay khu vực trưng bày và trải nghiệm các thiết bị tự động hóa, máy in 3D; tập làm cách tạo ra điện từ một số thức ăn từ chuối, khoai tây, chanh, giấm, nước muối, hay lắp mô hình xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời và các mạch điện thông minh…không chỉ lôi cuốn các em học sinh tiểu học không dời mắt, mà còn khiến những phụ huynh tham dự cùng cũng thực sự thấy cuốn hút theo.

Theo TS Đỗ Hoàng Sơn - đại diện Liên minh STEM Việt Nam, giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đây là một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu, Mỹ. Ngày hội STEM lần đầu tiên đã được tổ chức năm 2015. Thông qua ngày hội này, những người tổ chức mong muốn không chỉ khơi dậy cơ hội đam mê khoa học của học sinh mà còn động viên khuyến khích học sinh dám nghĩ, dám làm và có thể vận dụng khoa học trong đời sống thực tiễn được hiệu quả hơn…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, từ 2 năm trở lại đây, giáo dục STEM đã được đưa vào nhiệm vụ năm học của các sở giáo dục. Hiện Bộ GD- ĐT đã kết hợp với Hội đồng Anh thí điểm giáo dục STEM trong chương trình chính khóa ở gần 16 trường tiểu học và trung học cơ sở.

Vai trò của STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Mô hình giáo dục STEM ngoài trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng lồng ghép liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, còn giúp người học không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.Theo PGS.TS Lê Huy Hoàng, thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông Tổng thể, Chủ biên chương trình môn Công nghệ cho biết, mục tiêu xây dựng chương trình giáo dục Công nghệ là theo định hướng STEM. Theo đó, sẽ dự kiến xây dựng các chủ đề STEM trong: Mạch Thủ công kỹ thuật (Tiểu học); Mạch Thiết kế kỹ thuật (THCS); Mô đun tự chọn (lớp 9); Mạch Thiết kế và công nghệ (THPT); Cụm chuyên đề học tập tích hợp (HPT).

Vì trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giáo dục STEM đã được chú trọng thông qua các biểu hiện: Chương trình giáo dục phổ thông mới có đầy đủ các môn học STEM. Đó là các môn Toán học; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học.Vị trí, vai trò của giáo dục tin học và giáo dục công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được nâng cao rõ rệt.Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của giáo dục phổ thông trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng theo PGS. Hoàng, dự kiến các chủ đề STEM trong chương trình môn học tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ (ở tiểu học), môn Khoa học tự nhiên (ở trung học cơ sở); Định hướng đổi mới phương pháp giáo dục nêu trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phù hợp với giáo dục STEM ở cấp độ dạy học tích hợp theo chủ đề liên môn, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn...

Còn theo GS. TSKH Đỗ Đức Thái - thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục tổng thể, Chủ biên CT môn Toán cho biết, khi áp dụng STEM, chúng ta được nhiều thứ. Thứ nhất, giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và thông qua thực hành, ứng dụng. Tiếp đến, giáo dục STEM đề cao đến việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học.

Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra.

Thứ nữa, giáo dục STEM đề cao phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết…

Hữu Thành

 

Lượt xem: 195.445
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Hôm qua : 0
Tháng 04 : 84
Năm 2024 : 1.473